Giải đáp nguyên nhân vì sao tôm càng xanh bị tuột size nhanh chóng?

Có nhiều mối nghi ngờ về nguyên nhân làm tôm càng xanh chậm lớn, còi cọc. Vậy nguyên nhân thật sự là gì? Virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hay thậm chí là thuốc kháng sinh?

Tôm càng xanh – một loài thủy sản nước ngọt được rất nhiều quốc gia khu vực Châu Á chọn nuôi, chính nhờ vào giá trị kinh tế cao mà nó mang lại. Sản lượng nuôi toàn cầu đã đạt hơn con số 230.333 tấn (2014). Tuy nhiên với mật độ thâm canh ngày càng cao, thì dịch bệnh do vi khuẩn và virus đang ngày càng đe dọa sự phát triển của nghề nuôi loài thủy sản này, nhất là trong những năm gần đây.

Người ta vừa tìm thấy một tác nhân mới gây chậm tăng trưởng trên tôm càng xanh tại một trại nuôi ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Tôm càng xanh nhiễm bệnh trở nên còi cọc, giảm sút nhanh chóng về kích thước và khối lượng. Một số con chậm phát triển đến mức chỉ dài 6-7cm. Cho đến nay, nguyên nhân của sự chậm tăng trưởng này vẫn chưa rõ ràng, có nhiều mối nghi ngờ đã được đặt ra. Các chuyên gia đã bắt đầu khoanh vùng các nguyên nhân bao gồm: virus gây hoại tử cơ quan tạo máu trên tôm sú (IHHNV), ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây bệnh trên tôm thẻ, hoặc phải chăng việc lạm dụng kháng sinh Enrofloxacin đã làm chậm đi sự tăng trưởng của tôm càng xanh? Và sau cùng các chuyên gia tìm thấy rất nhiều khuẩn lạc giống nhau khi phân lập từ tôm càng xanh bị còi, và xác định chúng là khuẩn lạc của vi khuẩn Enterobacter cloacae.

Enterobacter cloacae phân bố rộng rãi trên cạn và cả dưới nước. Chúng được xem là một mầm bệnh cơ hội trên cả người và động vật. Các nghiên cứu về loài vi khuẩn này trước đây thường tập trung vào sự gây hại và khả năng kháng thuốc đối với con người, rất hiếm trên động vật thủy sản. Nghiên cứu hiện tại chỉ ra những con tôm càng xanh phát triển chậm cho thấy sự hiện diện đông đảo của loài vi khuẩn này. Và không loại trừ khả năng đây là nguyên nhân chính làm tôm càng xanh tuột size nghiêm trọng.

Người ta không phát hiện có ký sinh trùng khi kiểm tra mô học dưới kính hiển vi. So sánh gan tụy của tôm khỏe mạnh và tôm càng xanh bị còi cho thấy gan tụy tôm khỏe bình thường, các thành phần đều không có dấu hiệu xáo trộn. Riêng đối với tôm chậm phát triển, các tế bào gan tụy trở nên lỏng lẻo, nhung mao bị phân giải. Ngoài ra, ruột và mang cũng xuất hiện sự bất thường. Những con tôm càng xanh khỏe mạnh khi nuôi chung với những con tôm chậm lớn sau một thời gian cũng trở nên còi cọc, điều này chứng tỏ có sự lây truyền của vi khuẩn.

Nhiễm khuẩn Enterobacter cloacae gây ảnh hưởng đến hormone Methyl farnesone điều khiển quá trình lột xác.

Sự chậm tăng trưởng đã gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nghề nuôi tôm càng xanh, do làm giảm đáng kể sản lượng và năng suất. Trong nghiên cứu này, các chuyên gia nhận thấy tỷ lệ nhiễm Enterobacter cloacae là 100% ở những cá thể tôm càng xanh chậm phát triển. Vào ngày thứ 30 trở đi, năng suất sinh trưởng của tôm càng đã bị giảm đáng kể, dễ dàng so sánh với tôm khỏe. Và khi sự tăng trưởng càng giảm thì cùng lúc đó tỷ lệ vi khuẩn mà tôm nhiễm càng cao.

Những con tôm dù không bị chậm tăng trưởng nhưng sống cùng một thủy vực với tôm bệnh cũng có xu hướng rối loạn chức năng sinh sản. Đây là bằng chứng cho thấy có sự lây nhiễm vi khuẩn Enterobacter cloacae trong cùng một khu vực nuôi. Chiều dài và trọng lượng cơ thể của tôm càng xanh nhiễm khuẩn tỷ lệ nghịch rất lớn đối với những con tôm khỏe mạnh. Điều này có thể thấy rõ bằng mắt thường.

Sự lây nhiễm truyền đến các gen quy định sự tăng trưởng ở tôm càng xanh. Trong đó, ảnh hưởng rất lớn đến Chitinase, một enzyme đóng vai trò sinh lý rất quan trọng trong cơ thể tôm, nhất là đối với quá trình lột xác. Trong một chu kỳ lột xác, enzyme chitinase sẽ phân giải kitin trong lớp vỏ cũ của tôm. Sau đó, phần đã được phân giải có thể được tái hấp thu vào cơ thể tôm và tổng hợp thành một “bộ áo giáp” mới. Tuy nhiên khi nhiễm khuẩn, enzyme này cùng với các enzyme điều hòa sự cân bằng nội bào và bài tiết protein của tôm càng xanh sẽ trở nên ngưng trệ.

Methyl farnesone (MF) như một hormone đóng vai trò thiết yếu trong việc điều khiển các quá trình sinh lý bao gồm lột xác, biến thái và cả sinh sản của tôm càng xanh. Trong nghiên cứu này MF được đánh giá là bị suy thoái nghiêm trọng. Ngoài ra hormone Molt, được tổng hợp ở cuống mắt của tôm và đa số các hormone khác trong cơ thể đều bị giảm chất lượng và số lượng khi tôm bị nhiễm vi khuẩn Enterobacter cloacae.

Tỷ lệ nhiễm Enterobacter cloacae cao, tỷ lệ thuận với sự chậm tăng trưởng của tôm càng xanh. Có thể kết luận rằng chính vi khuẩn này là nguyên nhân làm tôm càng xanh bị còi cọc, ảnh hưởng nặng đến giá trị kinh tế của chúng.

Enterobacter cloacae: A probable etiological agent associated with slow growth in the giant freshwater prawn Macrobrachium rosenbergii by Xiaojian Gao, Yifan Zhou, Xinhai Zhu, Huanyu Tang, Xixi Li, Qun Jiang, Wanhong Wei, Xiaojun Zhang.

Nguồn: Tép Bạc

Bình luận:

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố

Contact Me on Zalo
(0272) 249 6090