Đứng trước những thách thức trong việc tìm giải pháp thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản thì lựa chọn các loại thảo dược là giải pháp an toàn, dễ kiếm, tiết kiệm chi phí và hiệu quả cao.
Chất bổ sung tự nhiên vào thức ăn bao gồm: hormone, kháng sinh, chất điện giải và probiotic … những chất này có vai trò quan trọng, giúp giải quyết sự thiếu hụt về mặt dinh dưỡng trong chế độ ăn, có lợi cho tăng trưởng của động vật thủy sản nuôi (Abdelhadi YM et al., 2010; Abdel HE, Mohamed KA, 2008). Nhu cầu dinh dưỡng của động vật phụ thuộc vào loài, môi trường sống và giai đoạn phát triển(Tatina M, et al., 2010). Việc bổ sung vào thức ăn những thảo dược giúp bổ trợ cho các hoạt động của các chức năng sinh lý khác nhau. Bên cạnh đó, thảo dược với nhiều ưu điểm như rẻ, dễ chuẩn bị, hiệu quả phòng bệnh cao do dễ hấp thu, ít tác dụng phụ trong quá trình điều trị bệnh và không ảnh hưởng đến môi trường cũng như không nguy hiểm đến đối tượng nuôi.
Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã xác định hiệu quả của việc sử dụng chiết xuất thảo dược giúp tôm, cá tăng trưởng tốt, tăng cường hệ miễn dịch và ức chế vi khuẩn gây bệnh. Nhiều loại thảo dược đã được xác định có hoạt tính sinh học cao cũng như có khả năng kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm, ký sinh trùng, kích thích tăng trưởng, kích thích tuyến sinh dục thành thục, chống stress, tăng cường miễn dịch (Citarasu, 2010). Tác dụng hiệp đồng của thảo mộc đã được báo cáo ở nhiều loài cá, bao gồm cá bơn Nhật Bản và cá trê phi (Clarias gariepinus) (Turan F, 2005; Garba k et al., 2015).
Phân tích hóa sinh máu có ý nghĩa trong việc xác định chẩn đoán và đáp ứng với điều trị nhiều loại bệnh. Do đó, các chỉ số huyết học giúp theo dõi tình trạng sức khỏe của cá (Dienye HE, Olumuji KO, 2014; Hrubec TC et al., 2001).
Một thí nghiệm được tiến hành từ các nhà khoa học Nigeria (Suleiman Adamu Mohammed và các cộng sự 2018) đã đánh giá hiệu quả của lá cây Chùm ngây (Moringa oleifera), vỏ cây thực vật (Lannea barteri) trong việc thay thế kháng sinh lên các thông số huyết học của cá trê phi giống (Clarias gariepinus). Theo đó, cá giống có trọng lượng trung bình là 4,60 g ± 0,02 g được nuôi trong 2 tuần và bố trí ngẫu nhiên vào 24 bể tuần hoàn có dung tích 50 lít có bổ sung 8 chế độ ăn thử nghiệm. Một chế độ ăn tham chiếu thương mại (CRD) được sử dụng để đối chứng so với các chế độ ăn được thí nghiệm bao gồm: sử dụng nguyên chất chùm ngây (MWL), nước chiết chùm ngây (MAE) và dịch chiết chùm ngây bằng ethanol (MEE); nguyên chất của cây Lannea (LWL), nước chiết cây Lannea (LAE) và dịch chiết Lannea bằng ethanol (LEE) cuối cùng là kháng sinh (ANTB).
Kết quả, các thông số huyết học cho thấy, số lượng bạch cầu (WBC) cao hơn đáng kể (P <0,05) ở nhóm cá cho ăn LWL (247,40×103 mm-3), LAE (235,50×103 mm-3) và chế độ ăn LEE (234.15×103 mm-3) và thấp hơn đáng kể (P <0,05) thu được trong nhóm chế độ ăn có kháng sinh (1,65×103 mm-3). Có sự khác biệt đáng kể (P <0,05) trên số lượng hồng cầu (RBC) của các loài cá ban đầu và các loài cá được thử nghiệm đã được ghi nhận. Dung tích hồng cầu (PCV) dao động giữa LWL (46,05%) và MWL (10,70%). Hemoglobin thấp hơn đáng kể (P <0,05) ở chế độ ăn ban đầu (4,87 g/dl) và CRD (5,13 g/dl). Số lượng tiểu cầu có sự khác biệt đáng kể (P <0,05) trong tất cả các chế độ ăn thí nghiệm. Không có sự khác biệt có ý nghĩa (P> 0,05) về số lượng trung bình của huyết sắc tố có trong một hồng cầu và nồng độ của huyết sắc tố ở tất cả các nghiệm thức.
Kết quả nghiên cứu đạt được của các nhà khoa học Nigeria chứng minh rằng, việc sử dụng các loại chiết xuất từ cây Chùm ngây và Lannea bổ sung vào chế độ ăn có tác động tích cực đến các thông số huyết học của trê phi giống (Clarias gariepinus) so với kháng sinh (ANTB).
Có thể khuyến cáo: Dạng chiết xuất ethanol của Chùm ngây và cây Lannea có thể được kết hợp trong chế độ ăn của cá một cách có hiệu quả thay vì sử dụng kháng sinh. Đảm bảo chất lượng thủy sản nuôi và an toàn thực phẩm góp phần hướng đến phát triển bền vững ngành thủy sản trong tương lai.
Nguồn: Tepbac