Ngăn nạn bơm tạp chất tôm

Tình trạng bơm tạp chất vào tôm nhằm làm tăng trọng lượng, kích cỡ để thu lợi bất chính đã xảy ra trong nhiều năm qua

Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc nhưng tình trạng trên vẫn không mang lại hiệu quả, thậm chí có thời điểm còn bùng phát dữ dội. Thương lái Trung Quốc còn sang tận các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tổ chức bơm tạp chất gây bất ổn cho cả khu vực. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến chất lượng tôm, làm mất uy tín cho thị trường xuất khẩu.

Được biết tình trạng bơm tạp chất vào tôm xảy ra từ năm 1996, thường diễn ra vào thời điểm giáp vụ, khan hiếm tôm nguyên liệu. Những khu vực bơm tạp chất vào tôm tập trung tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang. Tại các địa phương trọng điểm trên, cơ quan chức năng phát hiện thu giữ, xử lý khoảng 20 vụ/năm đối với hoạt động vận chuyển các lô tôm nguyên liệu có chứa tạp chất. Đặc biệt chỉ riêng địa bàn Cà Mau, năm 2012 phát hiện, xử lý 80 vụ, năm 2013 là 50 vụ, 6 tháng đầu năm 2014 là 20 vụ. Năm 2013 và đầu năm 2014, cơ quan thẩm quyền về an toàn thực phẩm Nhật Bản, Hàn Quốc đã cảnh báo về việc phát hiện 6 lô tôm có tạp chất agar từ Việt Nam.

Hội thảo góp ý đề án “Kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất” vừa được tổ chức tại TP HCM

Còn theo điều tra từ cơ quan công an cho thấy nhiều nhà máy trực tiếp bơm tạp chất theo yêu cầu từ khách hàng Trung Quốc. Khi đưa mặt hàng này về nước, chế biến, xuất khẩu sang nước thứ ba, nếu bị phát hiện có tạp chất thì họ sẽ công bố rộng rãi với đối tác do mua tôm tạp chất từ Việt Nam. Đây là việc làm phá hoại, gây mất uy tín tôm Việt Nam. Nhiều lô hàng tôm xuất sang Trung Quốc bị ách tắc tại cửa khẩu Đông Hưng và Móng Cái (Quảng Ninh) được xác định là có chứa tạp chất trong sản phẩm.

Theo cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp tuyên bố nói không với việc bơm tạp chất vào tôm nhưng chính họ lại là nơi bơm tạp chất. Bơm tạp chất còn diễn ra ở những doanh nghiệp lớn, có thế lực. Khi bị phát hiện họ được bao che nên khó xử lý. Thời gian qua chủ yếu chỉ xử lý được những cơ sở nhỏ không đáng kể.

Theo Cục An ninh Nông nghiệp, Nông thôn (Tổng Cục An ninh II), việc bơm tạp chất chủ yếu diễn ra trong khâu vận chuyển. Việc kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gặp nhiều khó khăn do cơ sở không hợp tác. Cơ sở xử lý, xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm với mức tối đa với hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, vận chuyển nguyên liệu thủy sản có chứa tạp chất theo Nghị định 178 là 100 triệu đồng so với trước đây là 150 triệu đồng. Do chưa có cơ sở để xử lý hình sự nên tình trạng bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn không có dấu hiệu giảm. Theo nghị định này, không có quy định tịch thu lô nguyên liệu thủy sản có chứa tạp chất, cũng như không nói rõ cách thức loại bỏ tạp chất như thế nào nên gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lý.

Để giải quyết tình trạng này Bộ NN-PT NT đã có đề án “Kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất”. Đề án là hoàn thiện các chế tài xử lý, tuyên truyền, ký cam kết, trách nhiệm rõ ràng, kiểm tra thường xuyên các hoạt động lưu thông vận chuyển tôm, kiểm tra các điểm thu mua, sơ chế, chế biến tôm. Theo đề án này có Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh trọng điểm và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cùng tham gia.

Nguồn tin: Người Lao Động

Bình luận:

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố

Contact Me on Zalo
(0272) 249 6090