Trên thị trường còn tràn lan thuốc hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản
Chất cấm trong nuôi trồng thủy sản thì đã phổ biến từ lâu nhưng trên hiện nay còn rất nhiều người vẫn sử dụng. Đa phần họ chưa hiểu hết tác hại hoặc xem nhẹ tác hại trực tiếp và cả về lâu dài của chúng.
Ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người sử dụng
Khi tiếp xúc trực tiếp với chất cấm hoặc tiếp xúc với môi trường có chứa các chất này trong thời gian dài, người nuôi tôm cá sẽ bị tích tụ chất độc trong cơ thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Người nuôi tôm cá tiếp xúc thường xuyên với chất cấm sẽ có những ảnh hưởng đến sức khỏe như:
Những kháng sinh cấm thường là kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng ở người, khi người nuôi tôm/cá sử dụng những kháng sinh này gây nguy cơ xuất hiện vi khuẩn kháng kháng sinh trong tôm và môi trường sống. Và nếu một người bị nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh (thông qua vết thương hở, thức ăn, nước uống, môi trường…), khi đó thuốc kháng sinh đang dùng điều trị cho người bệnh không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh.
Theo báo cáo của trung tâm phòng chống bệnh tật Châu Âu (ECDC), hằng năm ở Châu Âu có trên 25.000 bệnh nhân chết vì nhiễm phải vi khuẩn đa kháng thuốc.
Ngoài những nguy hiểm của tình trạng kháng kháng sinh, việc lạm dụng kháng sinh cũng dẫn đến nguy cơ sức khỏe nếu tiêu thụ tôm còn tồn dư kháng sinh trong thịt. Một số kháng sinh có thể gây tử vong cho những người bị dị ứng nghiêm trọng. Penicillin gây ra phản ứng dị ứng làm tử vong nhiều hơn bất kỳ nhóm kháng sinh nào khác. Phản ứng dị ứng phổ biến với thuốc nhóm penicillin là phát ban da và sưng mặt, sốc phản vệ hoặc thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Rủi ro cho môi trường
Việc sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm dẫn đến tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho hệ sinh thái, làm mất cần bằng hệ vi sinh vật, tạo điều kiện cho những vi sinh vật có hại không bị ảnh hưởng của kháng sinh phát triển mạnh mẽ – > nguy cơ lây lan dịch bệnh trong tương lai.
Việc xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, gây nên hiện tượng lờn thuốc, khi tôm có bệnh xảy ra sẽ rất khó điều trị, gây tổn thất nghiêm trọng cho người nuôi. Sự tồn tại của hóa chất cấm sẽ gây độc đối với động vật thủy sản hoang dã, khi các loài này sử dụng sinh vật trầm tích làm thức ăn thì chúng cũng có nguy cơ vì sự tích lũy của Trifluralin trong bùn trầm tích.
Ảnh hưởng đến xuất khẩu
Tôm là một trong các mặt hàng xuất khẩu chính của nước ta và một trong những điều kiện tiên quyết để được thị trường tiêu thụ chấp nhận là không tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm trong sản phẩm thủy sản. Nếu sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản sẽ khiến nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu sẽ bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cảnh báo tồn dư hóa chất và bị trả về nặng hơn có thể cấm xuất khẩu, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản khiến họ thua lỗ, phá sản và mất công ăn việc làm. Việc từ chối các lô hàng tôm không những làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp mà còn làm mất uy tín của cả ngành thủy sản nước đó.
Hơn ai hết người nuôi tôm phải hiểu rõ về tác hại của việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi tôm không những ảnh hưởng đến sự phát triển của cả ngành tôm mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân và kinh tế của gia đình khi sản phẩm không bán được, thị trường từ chối nhập khẩu.
Theo tepbac.com