Trứng nghỉ Moina (Ephippia) được hình thành trong quá trình sinh sản hữu tính. Ephippia có vỏ dày, khả năng chịu đựng tốt các chất khử trùng. Nhờ vậy, chúng có tiềm năng lớn trong việc tạo nguồn giống Monia sạch bệnh.
Monia, thức ăn lý tưởng cho cá giống
Moina hay còn gọi là trứng nước hoặc bo bo, là động vật giáp xác nhỏ thuộc bộ Râu ngành (Cladocera). Trong tự nhiên, Moina sống ở những vùng nước giàu chất hữu cơ. Thức ăn của chúng là những loài vi khuẩn, mảnh vụn hữu cơ, các loài vi tảo. Moina có kích thước nhỏ và hàm lượng protein khá cao từ 50 – 70% khối lượng khô. Moina trưởng thành có kích thước dao động 700 – 1.000 µm trong khi con non dài khoảng 400 µm. Moina là thức ăn có giá trị đối với cá hương, vì chúng phù hợp cỡ miệng cá và khả năng di chuyển thụ động của Moina sẽ kích thích tập tính bắt mồi của cá con. Ngoài ra, chúng còn chứa nhiều enzyme tiêu hóa như proteinase, peptidase, lipases, vì thế có thể cung cấp nhiều men tiêu hóa (ngoại enzyme) cho ấu trùng cá trong giai đoạn ăn đầu tiên. Cho đến nay, Moina được coi là thức ăn tươi sống lý tưởng cho nhiều loài cá nước ngọt (Rottmann và cs., 1992) nhờ vào đặc điểm có kích thước nhỏ và giá trị dinh dưỡng cao. Moina được sử dụng thành công trong ương nuôi các loài cá thát lát, tai tượng, trê, rô đồng… và đặc biệt là nhiều loài cá cảnh (Trần Sương Ngọc, 2010).
Vòng sinh sản vô tính: Thông thường Moina có thời gian sống ngắn, khoảng từ 12 – 13 ngày. Moina sinh trưởng từ giai đoạn con non đến giai đoạn thành thục mất 4 – 5 lần lột xác liên tục với thời gian chủ yếu phụ thuộc vào nhiệt độ. Thời gian để Moina đạt tới thành thục để sinh sản khoảng 4 – 5 ngày ở 260C. Ở giai đoạn thành thục, có thể quan sát thấy các đặc tính sinh dục thông qua kích thước và hình thái râu nhỏ của Moina (kích thước con đực 0,6 – 0,9 mm nhỏ hơn con cái 1 – 1,5 mm). Con cái mang trứng ở phía lưng. Moina có thể sinh sản theo hình thức vô tính và hữu tính, thông thường Moina toàn là con cái sinh sản theo hình thức vô tính. Ở điều kiện thích hợp, Moina cái bắt đầu sinh sản sau 4 ngày tuổi với số lượng 4 – 22 con, mỗi con cái đẻ khoảng 3 – 9 lần trong đời. Moina sinh sản đơn tính theo chu kỳ hoặc bắt buộc và quần thể của chúng chỉ gồm con cái.
Vòng sinh sản hữu tính: Ở điều kiện môi trường bất lợi như thay đổi nhiệt độ nước, hoặc sự cạn dần thức ăn do quần thể tăng lên có thể kích thích sự sản sinh ra con đực, Moina chuyển sang hình thức sinh sản hữu tính. Dẫn đến việc hình thành trứng nghỉ (ephippia). Trứng nghỉ là trứng to và chỉ có một hoặc hai trứng được bao bọc bởi lớp màng bảo vệ. Ở dạng này chúng chịu được khô, băng giá và enzym tiêu hóa, như vậy chúng có vai trò quan trọng trong việc sống ở những nơi sinh cảnh mới hoặc trong việc tái tạo quần thể đã bị tiêu diệt sau những điều kiện thời tiết bất lợi.
Trứng nghỉ Moina
Trứng nghỉ là trứng được thụ tinh hay phôi dạ được bao bọc trong lớp vỏ dày. Kích thước của trứng nghỉ có chiều dài khoảng 356 µm, chiều rộng khoảng 250 µm. Trứng có thể nổi trên mặt nước, chìm dưới đáy hoặc bám vào thành bể nuôi. Trứng nghỉ có thể nhìn thấy bằng mắt thường và có màu trắng sữa.
Quá trình tạo trứng nghỉ: Quá trình hình thành trứng nghỉ bắt đầu sau 5 ngày khi gặp điều kiện bất lợi. Thời gian tạo trứng nghỉ trong Moina mất 2 – 3 ngày. Trứng nghỉ thoát ra ngoài thông qua quá trình lột xác của con mẹ hoặc khi con mẹ chết.
Ấp nở trứng nghỉ: Trứng sau khi thu hoạch được làm khô để bảo quản. Thả trứng vào nước trong điều kiện ấp có sục khí, chu kỳ chiếu sáng 12:12. Trứng sẽ nở sau 24h ở nhiệt độ 300C và sau 48h ở 270C. Con non nở ra từ trứng nghỉ thường có kích thước nhỏ hơn so với con non được sinh ra từ vòng sinh sản vô tính.
Các yếu tố ảnh hưởng
Tạo trứng nghỉ khi gặp điều kiện bất lợi là một đặc tính của các động vật phù du trong đó có Moina (Alekseev và ctv, 2006). Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đã tập trung tìm ra các yếu tố tác động đến quá trình tạo trứng nghỉ bao gồm: yếu tố sinh thái, yếu tố di truyền, yếu tố dinh dưỡng và một số hóa chất (Egor, 2007).
Mật độ quần thể cao: Năm 1996, Zaderreev và cộng sự đã nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ quần thể đến sự chuyển dịch từ chu trình sinh sản vô tính sang sinh sản hữu tính. Nghiên cứu cho thấy, với mật độ quần thể cao (gấp 5 lần so mật độ thông thường của quần thể) xuất hiện quá trình tạo trứng nghỉ. Nguyên nhân được cho rằng, khi mật độ cao có sự cạnh tranh thức ăn, các chất thải trong quá trình trao đổi chất tăng lên tạo điều kiện bất lợi cho quần thể.
Sự thiếu hụt thức ăn: Theo Zadereev (1996) và một số tác giả, sự thiếu hụt thức ăn cũng là một trong những yếu tố tác động đến quá trình tạo trứng nghỉ.
Nhiệt độ thấp: Theo Lu và He (1999), nhiệt độ tác động đến quá trình tạo trứng nghỉ. Ở 160C, tỷ lệ con đực chiếm 50%, con cái mang trứng nghỉ chiếm 8% quần thể. Ở các ngưỡng 170C, 190C, 210C, 230C và 250C không thấy xuất hiện con đực và con cái mang trứng nghỉ.
Chu kỳ chiếu sáng: Myron (2005) đã nghiên cứu ảnh hưởng của chu kỳ chiếu sáng đến quá trình tạo trứng nghỉ. Nghiên cứu cho thấy số lượng trứng nghỉ tăng gấp đôi trong điều kiện tối.
Một số loại hóa chất: Theo Sarbine và cộng sự, pH thấp và hàm lượng ammonia cao là những yếu tố tác động đến quá trình tạo trứng nghỉ.
Triển vọng
Động vật phù du nói chung và Moina nói riêng được xem là nguồn thức ăn sống rất tốt cho động vật nuôi trong nuôi thủy sản. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nguy cơ vật nuôi thủy sản và nhất là cá con ở giai đoạn bắt đầu sử dụng thức ăn bên ngoài rất dễ bị nhiễm ký sinh trùng qua nguồn thức ăn sống, nhất là khi chúng được thu từ thủy vực tự nhiên.
Với những ưu điểm như: vỏ dày, khả năng chịu đựng tốt các chất khử trùng, đặc biệt có thể được sấy khô và bảo quản lâu thì trứng nghỉ Moina được xem là nguyên liệu tiềm năng giúp chủ động nguồn giống sạch cho quá trình nuôi sinh khối Moina. Từ đó, đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn lý tưởng cho cá giống.
>> Hàm lượng dinh dưỡng của Moina thay đổi đáng kể tùy thuộc vào độ tuổi của chúng và loại thức ăn mà chúng sử dụng. Moina trưởng thành thường có hàm lượng chất béo cao hơn. Tổng lượng chất béo trên mỗi trọng lượng khô là 20 – 27% đối với con cái trưởng thành và 4 – 6% đối với Moina chưa trưởng thành. |
ThS Phạm Thị Lam Hồng – Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Theo contom.vn